PDA

View Full Version : Cuộc chiến với thẻ Internet phone lậu thực sự bắt đầu - Các ISP đã làm gì ?


nhungnguyen122
22-06-2012, 01:00 PM
Thứ Sáu, 07/11/2003
Ngay sau Quyết định về chống kinh doanh lậu điện thoại Internet của Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT), FPT và VDC đã tung ra phương án hành động cụ thể, trong khi Viettel, One-Connection (OCI) và NetNam chưa sẵn sàng. Vũ khí chủ yếu mà các ISP đưa ra là nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút khách hàng.
Giám đốc Công ty VDC Vũ Hoàng Liên cho chúng tôi biết: "Chúng tôi vẫn tiếp tục dùng hệ thống firewall để chặn các website cung cấp dịch vụ điện thoại Internet của các doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, để khuyến khích khách hàng dùng thẻ Internet Phone chính thống, thời gian tới VDC sẽ chú trọng tăng dung lượng và chất lượng dịch vụ".
Ông Phan Ngọc Khánh, phụ trách kinh doanh Công ty OCI, nhận định đây là một quyết định đúng đắn. "Các doanh nghiệp sẽ được chủ động hơn trong việc đối phó với loại hình Internet Phone lậu. Với tư cách là một OSP, chúng tôi chỉ có thể áp dụng những biện pháp tuyên truyền mà thôi. Nhưng kế hoạch cụ thể như thế nào thì hiện công ty chưa chuẩn bị".
OCI chủ động lấy việc thu hút khách hàng làm vũ khí chủ yếu để đối phó. Công ty sẽ nhắm vào những khách hàng nghiêm túc, đánh giá đúng chất lượng dịch vụ của công ty. Đồng thời tiếp tục cung cấp những dịch vụ tốt nhất như nhận fax, mail... Người dùng dịch vụ của OCI cũng sẽ không phải lo ngại về mức cước vì giá rất phải chăng.
Cùng quan điểm với OCI, ông Vũ Thế Bình, Trưởng phòng Maketing của Công ty NetNam, phát biểu: "Chúng tôi rất ủng hộ quyết định trên. Nhưng với phương diện là một OSP, chúng tôi chỉ biết dựa vào các trang web của NetNam, qua báo chí và hệ thống các đại lý để quảng cáo chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ của mình, đồng thời nâng cao nhận thức cho người sử dụng. Công ty không có khả năng thực hiện các biện pháp kỹ thuật hay tổ chức phương án thuộc về lĩnh vực hành chính hay pháp luật".
Giám đốc Trung tâm CNTT của Công ty Viettel Lê Hoài Nam cho rằng, Bộ BCVT cần có những thông tư hướng dẫn cụ thể là làm như thế nào, chứ quyết định như vậy thì còn chung chung. "Chúng tôi là doanh nghiệp chỉ biết kinh doanh, dẫu phát hiện tiêu cực cũng không có quyền xử lý. Chỉ các cơ quan có thẩm quyền mới biết rõ là phải làm gì. Tôi nghĩ việc này nên tổ chức làm thí điểm", ông nói.
Bên cạnh đó, theo ông Nam, để chống lại việc kinh doanh trái phép điện thoại Internet, cần phải có sự hỗ trợ và phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành có liên quan bởi đây là một việc khó và phức tạp. Viettel cũng sẽ sử dụng phương pháp nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách hàng. Dù chưa có quyết định về số lượng thẻ tung ra, nhưng chắc chắn sẽ có miễn phí cho một số đối tượng trong thời gian nhất định.
Danh sách website cung cấp dịch vụ Internet Phone của các doanh nghiệp nước ngoài cần ngăn chặn:
1. www.e-voiz.com
2. www.mediaring.com
3. www.nettelephone.com
4. www.vnfone.com
5. www.dienthoaigiare.com
6. www.nettelephonevn.ws
7. www.dialpad.com
8. www.iconnecthere.com
9. www.pc2phone.net
10. http://web.net2phone.com
11. www.pccall.com
12. www.mygo2call.com
13. www.deltathree.com
14. www.mywebcalls.com
15. www.go2call.com
16. www.pc-telephone.com
17. www.mediafone.com
18. www.nettelephonevn.com.
Đáng lẽ Viettel ra mắt người dùng dịch vụ Internet Phone vào tháng 9 theo như dự kiến, nhưng đến nay trên thị trường này vẫn chưa có bóng dáng của họ. Lý giải sự chậm chễ này, ông Nam cho biết do công ty đang chuẩn bị thay đổi thương hiệu, đồng thời mở rộng phạm vi sử dụng Internet tại các tỉnh Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa và phát triển thêm một số dịch vụ khác. Ông Nam tiết lộ trước ngày 10/11, Viettel sẽ chính thức tung dịch vụ này ra thị trường.
Ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc Công ty truyền thông FPT, bức xúc: "Trong thời gian qua, chúng ta đã phản ứng gay gắt với các mặt hàng lậu "vật chất" như thuốc lá, điện thoại di động, rượu, hàng điện tử, băng đĩa... song lại tỏ ra kiềng nể các mặt hàng lậu "mềm" công nghệ cao như phần mềm, thẻ phone lậu...". FPT cũng bắt đầu áp dụng biện pháp chặn website bán thẻ Internet Phone lậu của các doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời kiến nghị Bộ BCVT thả nổi giá cước, bởi "Khi giá cước Internet Phone lậu rẻ hơn đáng kể so với giá sàn do Nhà nước quy định thì thật khó thuyết phục người tiêu dùng", ông nói.
Trong khi đó, thị trường Internet Phone lậu vẫn tiếp tục hoạt động với nhiều chiêu kinh doanh mới. Dũng, nhân viên marketing của MediaRing, nhà cung cấp thẻ điện thoại Internet ở Singapore, cho chúng tôi biết, họ sẵn sàng cắt lại 20% hoa hồng cho các đại lý thay vì 10% như trước đây. "Bộ BCVT chỉ cấm kinh doanh thẻ ngoại nhập chứ không cấm sử dụng nên chắc chắn loại thẻ này vẫn có đất sống", Dũng biện bạch.
Qua khảo sát tại một số cửa hàng Internet và các điểm bán thẻ điện thoại Internet, hàng lậu đang mất dần vị trí. Nhưng nguyên nhân mà hầu hết chủ đại lý và người sử dụng đưa ra là chất lượng thẻ không đảm bảo và dịch vụ chăm sóc khách hàng kiểu "đem con bỏ chợ" của các công ty nước ngoài chứ không chỉ vì giờ đây dùng thẻ lậu là bất hợp pháp.
Bà V., chủ cửa hàng kinh doanh điện thoại ở Hàn Thuyên (Hà Nội), cho biết: "Mấy tháng trước, nhân viên marketing của các hãng Internet Phone nước ngoài như MediaRing, Pc2phone... hay đến chào hàng. Tuy nhiên, tôi thấy các dịch vụ hậu mãi, bảo hành không tốt, địa chỉ của những nhân viên mời mua hàng rất mập mờ, còn giá của mỗi nhân viên đến tiếp thị cho cùng một sản phẩm cũng khác nhau". Chủ một cửa hàng Internet ở phố Khương Trung cũng than thở: "Trước khi FPT tung thẻ Internet Phone ra thị trường, tôi có nhập khá nhiều thẻ của Singapore và đang "chết dở" vì không tiêu thụ được. Khách hàng kêu ca vì loại thẻ này rất kén mạng, chỉ thực hiện được cuộc gọi với chất lượng tạm được trên máy chủ khi có ít máy nối tiếp đang sử dụng".
Cũng như nhiều người, chị Tạ Thị Lý ở Thanh Xuân (Hà Nội) từng sử dụng thẻ của MediaRing vì bị thuyết phục bởi giá cước 500-800 đồng/phút. Nhưng chị đã phải chạy từ hàng Internet này đến hàng khác tìm một máy chủ để gọi vì khi dùng ở những máy nối tiếp, chị không nghe thấy bên kia nói gì, còn khi nghe được thì tiếng thoại hay bị nhại hoặc ngắt quãng. "Tưởng rẻ hoá ra đắt, lại thêm bực mình" - chị Lý than thở. Hiện chị đã chuyển sang dùng thẻ của FPT và cho biết khá hài lòng về chất lượng.
Thẻ Internet Phone nội địa dù đang được hỗ trợ bởi chính sách mới, song bài toán chiếm lĩnh thị trường vẫn đang đặt ra cấp thiết cho các ISP. Tại những điểm bán thẻ "chính thống", trung bình mỗi ngày chỉ tiêu thụ được khoảng 20-30 thẻ và các đại lý Internet bán thẻ chỉ để cho phong phú dịch vụ chứ "không được lãi bao nhiêu".
Vnexpress