PDA

View Full Version : Thị trường viễn thông chờ đợi những đợt giảm giá


phuochiep_corporation
22-06-2012, 01:04 PM
Thứ ba, 24/2/2004
Các doanh nghiệp bưu chính viễn thông đang thực hiện một loạt kế hoạch điều chỉnh giá cước và tung ra các dịch vụ mới. Thị trường cạnh tranh quyết liệt hứa hẹn những thay đổi có lợi cho người tiêu dùng.
Sau khi S-phone áp dụng tính cước block 10 giây, Tổng công ty bưu chính viễn thông (VNPT) quyết định tăng thời hạn dùng thẻ điện thoại di động GSM cho hai mạng VinaPhone và MobiFone. Theo đó, từ 1/3, thẻ mệnh giá 200.000 đồng sẽ được gọi 35 ngày (thêm 10 ngày); thẻ 300.000 được thêm 15 ngày, thành 60 ngày; thẻ 500.000 được thêm 20 ngày, thành 110 ngày. Tuy cước liên lạc của mỗi cuộc gọi vẫn giữ nguyên nhưng việc kéo dài thời hạn sử dụng cho thẻ trả trước giúp các chủ thuê bao điện thoại có thêm thời gian sử dụng dịch vụ và tiết kiệm kinh phí hơn.
VNPT cho biết còn đang đệ trình Bộ Bưu chính Viễn thông (MPI) kế hoạch tính cước mới. Theo đó, thuê bao di động sẽ trả cước block 30 giây (thay vì 60 giây như hiện nay); khung cước thuê bao hạ xuống 80.000-100.000 đồng/tháng (hiện là 120.000 đồng/tháng); cước hòa mạng 200.000-400.000 đồng/lần (hiện 400.000 đồng/lần); gọi trực tiếp đi quốc tế IDD giảm 15-20%, gọi quốc tế VoIP giảm 10-15%, thuê kênh quốc tế hạ 5-18%.
VNPT cũng đề nghị Bộ cho phép chủ động giảm giá cho những khách hàng sử dụng dịch vụ nhiều trong phạm vi không quá 20% mức giá chuẩn. Chẳng hạn, khi khách hàng gọi 400 phút và gửi 30 tin nhắn sẽ được tính 767.000 đồng, giảm 88.000 đồng/tháng. Ông Nguyễn Bá Thước, Phó tổng giám đốc VNPT cho biết, mục đích của kế hoạch này là thu hút thêm người sử dụng dịch vụ. Cơ quan này đã chuẩn bị sẵn sàng từ tháng 12 năm ngoái, chỉ chờ Bộ duyệt là áp dụng.
Xác định trước sẽ phải đối mặt với việc điều chỉnh giá của VNPT, ông Phạm Văn Mẫn, Phó giám đốc Saigon Postel cho biết, kể từ ngày 1/3 tới, Saigon Postel sẽ giảm 20% cước điện thoại dịch vụ 177 gọi đi quốc tế. Cước điện thoại Internet chiều đi quốc tế cũng giảm xuống còn trung bình 700 đồng/phút.
Lãnh đạo FPT cũng đang cân nhắc kế hoạch giảm cước Internet Phone xuống 300 đồng/ phút so với 1.400 đồng/phút như hiện nay. Còn Viettel, doanh nghiệp sẽ khai trương mạng điện thoại di động vào tháng 7 tới đang khẩn trương thương thuyết với VNPT và MPI để có thể đưa ra phương thức tính cước hấp dẫn so với các mạng đang hoạt động nhằm chen chân vào thị trường.
Điều mà các doanh nghiệp lo lắng nhất là chi phí cước kết nối trả cho VNPT hiện quá cao, chiếm hơn 60% doanh thu. Không thể điều chỉnh đầu vào, họ khó có thể giảm giá cước để cạnh tranh với ông bưu điện.
Ở góc độ người quản lý, Bộ Bưu chính viễn thông lại lo giảm cước sẽ ảnh hưởng tới doanh thu. Do vậy "bất cứ đề nghị điều chỉnh nào, Bộ cũng cần thời gian xem xét nghiên cứu kỹ", một quan chức Vụ chính sách cho biết.
Theo các chuyên gia viễn thông, với ưu thế vừa quản lý đường trục quốc gia vừa kinh doanh, VNPT hiện chiếm 90% thị phần đang tạo ra nhiều rào cản với các đối thủ, do vậy thị trường viễn thông VN khó có thay đổi lớn. Đơn cử, năm 2004, Vietel đặt kế hoạch mở thêm dịch vụ 178 ở 10-15 tỉnh thành (hiện 25 tỉnh) nhưng có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào VNPT bởi theo lãnh đạo công ty này, các bưu điện tỉnh hiếm khi thực hiện đúng thời hạn kết nối tối đa là 45 ngày.
Saigon Postel cũng chịu tình trạng tương tự khiến tuyến Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang - Lạng Sơn không thể thực hiện theo kế hoạch vì bị tắc ở Bắc Giang. "Việc kết nối nhắn tin với mạng GSM đã tiến hành từ 7/2003 nhưng VNPT kéo dài thời gian với lý do thiết bị của họ nhập từ châu Âu không tương thích với thiết bị nhập từ Mỹ của S-Phone. Nếu lần này mọi chuyện suôn sẻ cũng phải cuối tháng 3 khách hàng mới nhắn tin cho hai mạng kia được ", ông Mẫn cho biết.
Theo VNexpress