PDA

View Full Version : Chuyện ít người biết về giấc ngủ của IBM


anphafurniture
22-06-2012, 01:05 PM
Thứ Bẩy, 13/03/2004
IBM đã ngủ quên và gối đầu lên chiếc máy PC của chính mình, một sản phẩm đã làm rung chuyển thế giới. Giấc ngủ suýt làm tiêu tan IBM đầu những năm 90 lại chính là nguyên nhân cứu IBM trong cuộc chiến chống độc quyền của Chính Phủ Mỹ đầu những năm 80. Những người liên quan với máy tính không ai không biết đến cái tên IBM, tập đoàn lớn nhất về công nghiệp máy tính có doanh số khổng lồ khoảng 80 tỷ USD/năm hiện nay. Thế mà trong khoảng 30 năm qua, IBM đã qua 2 cơn ác mộng tưởng đến phải tan rã!
http://images3.us.tintucvietnam.com/Uploaded/invisible/ibm.jpg
Đại nạn thứ nhất: vụ kiện 13 năm
Vào năm 1969, Bộ Tư Pháp Mỹ đã phát đơn kiện IBM do độc quyền trong thị trường máy tính và bán các sản phẩm mới dưới giá thành. Chính Phủ Mỹ đã toan xé IBM thành nhiều mảnh như vừa qua định làm với Microsoft. Cuộc chiến kéo dài 13 năm với hàng trăm ngàn trang hồ sơ của đôi bên. Chính Phủ Mỹ đã tiêu tốn 26 triệu USD, còn IBM đã tốn 300 triệu USD cho cuộc chống trả quyết liệt. Sau 13 năm bất phân thắng bại, tháng 1/1982 Chính Phủ Mỹ đơn phương rút lui.
Đại nạn thứ hai: nguy cơ phá sản
Vào năm 1985, IBM lên đến đỉnh cao, trở thành tập đoàn lớn nhất thế giới về mọi phương diện, với tổng số nhân viên trên toàn cầu là 405.000 người. Chủ tịch IBM thời đó là John Akers. Với mái tóc màu bạc, tác phong trẻ trung, John là biểu tượng của IBM, một sự thành đạt tuyệt đỉnh - thắng cả Chính Phủ. Không ai có thể nghĩ rằng chỉ 5 năm sau, vào năm 1990, IBM rơi vào sự sa sút nghiêm trọng. Trong 2 năm 1991 - 1992, IBM đã phải sa thải 50.000 nhân viên. Năm 1992, IBM lỗ 4 tỷ USD và Akers phải ra đi. Thay Akers là Louis Vincent Gerstner, một người chưa từng có chút kinh nghiệm trong thương trường CNTT và lại càng ít hiểu biết về bản thân CNTT. Gerstner nhậm chức chủ tịch IBM vào tháng 4/1993 và đã bắt tay ngay vào cuộc bằng những hành động hết sức quyết liệt. Chỉ 1 tháng sau khi nhậm chức, ông đã tuyên bố với cổ đông IBM rằng không thể né tránh, không thể nửa vời, phải triệt để thực hiện 4 ưu tiên chiến lược sau:
- Giảm số nhân viên toàn cầu còn 250.000.
- Xác định lại các sản phẩm cốt lõi của IBM.
- Cải thiện triệt để quan hệ khách hàng.
- Phi tập trung hóa.
Năm 1993, công ty tiếp tục lỗ 8 tỷ USD, cộng với 9 tỷ trả cho việc sa thải 50.000 nhân viên.
Năm 1994 lỗ đã giảm mạnh và năm 1995 IBM trở lại làm ăn có lãi.
Các nhà phân tích đã tốn rất nhiều giấy bút để tranh biện về ca bệnh IBM và cái tài của ông thầy lang Gerstner. Khi Gerstner lên, ở Việt Nam chúng ta cũng bàn tán rất nhiều. Làm sao mà ông hàng bánh kẹo cứu được IBM khỏi bị chìm (vì nghe nói trước khi xắn tay áo cứu IBM thì Gerstner hành nghề kẹo bánh)? Thế mà Gerstner làm được và cách đây vài năm, ông đã rời IBM về hưu trong vinh quang ở tuổi 60.
Nguyên nhân của cuộc đại nạn thứ 2 thì rất nhiều. Người thì phân tích về khía cạnh tài chính, người thì phân tích về khía cạnh văn hóa, có người lại phân tích về khía cạnh con người, trong đó có trách nhiệm rất lớn của Akers. Tất cả đều có lý và đều đúng một phần. Tuy nhiên những phân tích về công nghệ là cơ bản hơn cả. Các nhà phân tích về mặt này đã chỉ ra rằng, IBM mặc dù là nơi sáng chế ra máy PC viết tắt của chữ 'Personal Computer' tức 'máy tính cá nhân', nhưng đã không nắm lấy thời cơ này mà vẫn quá nặng tình với các máy mainframe (tức các máy tính lớn, cực mạnh và cực đắt). Hàng chục, rồi hàng trăm loại máy nhái PC đã ra đời cùng với hãng phần mềm Microsoft làm cho cục diện thị trường CNTT thay đổi hẳn. Việc IBM nhìn ra vấn đề này chính là bài thuốc chủ công của Gerstner. Ông đã làm hài hòa cả 2 dòng sản phẩm mainframe và máy vi tính các loại.
Giấc ngủ với hai tác dụng trái chiều
Hai cuộc đại nạn của IBM liên quan với nhau ra sao thì chưa thấy tài liệu nào nói đến. Có lẽ bài viết này là sự liên hệ đầu tiên 2 sự kiện này. Đó là một 'giấc ngủ' của IBM!
Vào cuối những năm 70 và nhất là vào đầu những năm 80, dòng máy vi tính mà chủ yếu là nhái PC của IBM do các hãng tung ra ngày càng có tiếng nói trên thị trường. Cả thế giới nhao nhao về máy vi tính cá nhân. Lập luận kết tội IBM độc quyền ngày càng bị các luật sư bảo vệ IBM chống lại có lý hơn. Chính Phủ Mỹ thấy quả là dường như IBM không còn độc quyền nữa. Thế là Bộ Tư Pháp thấy rõ mình có thể thua, đành rút quân. IBM thoát cái tội độc quyền, tự cứu mình lần 1 để rồi rơi vào khủng hoảng lần 2.
Cũng may mà IBM kịp thức dậy cùng Gerstner, để trở lại vị thế hàng đầu trong công nghiệp máy tính!
Theo PC World