PDA

View Full Version : Chống nhập lậu ĐTDĐ: Vẫn chịu thua ''hàng xách tay''?


nambinhnam
22-06-2012, 01:11 PM
Thứ Tư, 21/07/2004
''Có hàng xách tay bán không?. Biết đến bao giờ câu hỏi này của người đi mua điện thoại di động (ĐTDĐ) mới không được hưởng ứng và bị từ chối thẳng thừng?

Ra quân chống ĐTDĐ nhập lậu
Cuối năm ngoái, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành đã kết hợp với cơ quan Thuế triển khai việc kê khai, kiểm soát ĐTDĐ nhập lậu lưu thông trên thị trường tại các cơ sở kinh doanh, sửa chữa và bảo hành.
Bộ Thương mại và Bộ Tài chính đã thống nhất cho phép các cửa hàng kinh doanh điện thoại kê khai để hợp thức hóa. Sau khi thực hiện kê khai, lực lượng quản lý thị trường sẽ tịch thu tất cả những điện thoại không nằm trong danh sách kê khai, không rõ nguồn gốc và không có hóa đơn.
Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng có văn bản số 5855/TCHQ-GSQL ngày 17/11/2003 quy định phải nhập khẩu máy ĐTDĐ nguyên chiếc, thân máy ĐTDĐ chưa lắp ráp, yêu cầu chủ hàng nhập khẩu phải nộp bản kê chi tiết ghi rõ tên hàng, ký mã hiệu, số IMEI của máy... tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ để các lực lượng kiểm tra, kiểm soát có căn cứ xác định nguồn gốc nhập khẩu đối với các máy ĐTDĐ lưu thông trên thị trường, nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán công khai máy nhập lậu.
Theo số liệu của lực lượng Quản lý thị trường (QLTT): Đến nay, đã phát hiện và xử lý được 2.227 ĐTDĐ nhập lậu. Trong đó, tính đến 30/6/2004, Chi cục QLTT TP.HCM đã kiểm tra 39 vụ kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ ĐTDĐ, tạm giữ 616 chiếc các loại, xử lý tịch thu 308 chiếc và phạt tiền 139 triệu đồng. Chi cục QLTT Hà Nội cho hay: Đến 30/6 vừa qua, đã kiểm tra, xử lý được 11 vụ kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ ĐTDĐ nhập lậu, tịch thu 83 chiếc - trị giá 131.410.000 đồng và phạt hành chính 25 triệu đồng.
Cùng thời điểm đó, Chi cục QLTT tỉnh An Giang đã kiểm tra, tịch thu 792 chiếc ĐTDĐ các loại, trị giá trên 2,4 tỷ đồng. Tính riêng trong ngày 16/3/2004, đã kiểm tra, thu giữ 319 chiếc nhập lậu, vận chuyển trái phép; đã đề nghị UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính ba đương sự liên quan và tịch thu, phát mãi hàng lậu được 853,2 triệu đồng.
Một nghìn lẻ... cách thức buôn lậu ĐTDĐ
Không mấy khó khăn để nhận ra rằng đối tượng tham gia buôn lậu trước nay vẫn không thay đổi mấy, phần lớn là các ''tay'' buôn lậu lớn, chuyên nghiệp, đã tổ chức các đường dây buôn từ nước ngoài vào Việt Nam. Tiếp đến là cư dân ở biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam chuyên vận chuyển thuê qua biên giới cho bọn đầu nậu. Cũng không loại trừ đối tượng thứ ba là nhân viên hàng không (bao gồm tổ lái, tiếp viên hàng không), thuyền viên hoặc người đi công tác, đi du lịch, hay sinh viên du học mua ĐTDĐ từ nước ngoài với số lượng ba-năm chiếc/người, mang về không phải để sử dụng mà bán ra thị trường. Và ở trong nước, các cửa hàng, đại lý bán buôn và bán lẻ là đầu mối chuyên tiêu thụ mặt hàng nhập lậu này.
Thực tế cho thấy: Để qua mắt và đối phó với lực lượng kiểm tra, cách thức vận chuyển hàng nhập lậu đã ''biến tấu'' hết sức tinh vi và đa dạng. Chiếc ĐTDĐ vốn đã nhỏ, xinh nay lại được tháo rời từng bộ phận riêng lẻ như: màn hình, bo mạch, pin, xạc, vỏ máy... để dễ vận chuyển hơn, nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát qua biên giới trên cả đường không, đường bộ và đường thuỷ. Tại trạm kiểm soát km số 15 Quảng Ninh, chỉ trong một ngày đã thu giữ hơn 70 màn hình ĐTDĐ nhập lậu các loại.
Khi mang hàng qua cửa khẩu biên giới phía Bắc và Tây Nam, thủ đoạn thường thấy của bọn buôn lậu ĐTDĐ là cất giấu, phân tán hoặc không khai báo. Ngày 17/3 vừa qua, Cục Hải quan tỉnh An Giang đã bắt giữ hai đối tượng vận chuyển 110 chiếc nhập lậu, với linh kiện kèm theo, trị giá tới trên 300 triệu đồng.
Về phía các cơ quan, doanh nghiệp, cách thức tinh vi nhất là sử dụng danh nghĩa của một số người trong nước - vốn là những VIP ''có máu mặt'' - để gửi quà biếu, quà tặng là hàng tiêu dùng như máy tính bỏ túi, rồi tráo ĐTDĐ thay vào. Đến khi giáp mặt các cơ quan chức năng, họ lại móc ngoặc, hối lộ những phần tử biến chất, tham nhũng ở đây để tuồn hàng lậu về nước. Gần đây nhất, ngày 16/1/2004, Cục Hải quan TP HCM đã phát hiện Công ty TNHH Rồng Thái Bình dương sử dụng hình thức này để vận chuyển 60 ĐT trị giá tới 20 nghìn USD.
Đối với hệ thống tiêu thụ các sản phẩm trái phép này, thủ đoạn của phần lớn các cửa hàng là lợi dụng danh nghĩa bán ký gửi, sửa chữa, bảo hành để viết hóa đơn bán hàng cho khách hàng không đúng thực tế, lập bản kê ký gửi nhận bán hàng theo danh sách người thân quen nhằm hợp pháp hóa máy nhập lậu. Đồng thời, hầu hết các cửa hàng này, từ cuối năm ngoái đến nay, chỉ bày mô hình hoặc ĐTDĐ có tờ khai nhập khẩu, và giấu máy nhập lậu trong nhà hoặc tại địa điểm khác, khi thỏa thuận xong với khách hàng mới giao hàng tại địa điểm mà người mua yêu cầu.
Hiện nay ở TP HCM đã diễn ra tình trạng bọn buôn lậu thuê những người không có hộ khẩu thường trú để cất giữ và giao hàng. Mỗi người trung bình giữ khoảng mười chiếc ĐTDĐ nhập lậu, được trả ''lương'' 1,5 triệu đồng/tháng. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, những người này chỉ biết tên người giao hàng, trả lương cho mình mà không hề biết chỗ ở và thông tin gì khác. Vì vậy, rất khó phát hiện chủ hàng thực sự và địa điểm kinh doanh hàng nhập lậu.
Biện pháp: ''Đối phó'' hay triệt để?
Mới đây, khi đánh giá tình hình thực hiện phương án kiểm tra ĐTDĐ nhập lậu, Ban chỉ đạo Trung ương về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban chỉ đạo 127 TW) đã nhận xét: ''Tình trạng kinh doanh ĐTDĐ nhập lậu tuy có giảm từ khoảng 70% xuống còn 54% số máy sử dụng trên thị trường là ngoài luồng trước khi thực hiện phương án. Như vậy là còn chậm, chưa đạt yêu cầu kiểm tra, kiểm soát như phương án đã đề ra. Điều lưu ý là thị trường ĐT nhập lậu đang có xu hướng trở lại như trước khi triển khai, tác động xấu đến quản lý hoạt động kinh doanh thương mại trên thị trường, gây thất thu thuế, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nhân làm ăn đúng pháp luật.''
Sự thật là cứ mỗi lần ra quân, hàng lậu lại '' được phù phép'' biến mất và sau đó, người bán cứ bán, người mua cứ mua! Nguyên nhân khách quan là do lợi nhuận từ nguồn hàng này khá cao. Qua việc trốn 10% thuế nhập khẩu và 10% thuế VAT, chủ một cửa hàng trên phố Nhà Chung (Hà Nội) nói: ''Chả dại gì mà không kinh doanh hàng lậu''! Và đương nhiên, về phía khách hàng, nếu chỉ để ý đến giá cả ưu đãi (chênh lệch từ 500 nghìn đồng - 1,2 triệu đồng) giữa hàng ''xách tay'' và ''hàng công ty'' thì cũng ''chẳng cần thiết phải hoang phí khi chọn mua ĐTDĐ có xuất xứ làm gì''.
Cũng theo Ban chỉ đạo 127 TW, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là đến nay, kể từ sau vụ Đông Nam, chúng ta vẫn chưa phát hiện và xử lý được tận gốc đường dây cũng như ổ nhóm buôn lậu nào nhằm răn đe, cảnh báo đối với các đối tượng đang vi phạm lén lút.
Thời gian tới, các lực lượng: cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường, biên phòng, hải quan... hợp sức bố trí thời gian, lực lượng tại các địa bàn trọng điểm như Lạng Sơn, Quảng Ninh, An Giang, Tây Ninh, sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài và những địa bàn tiêu thụ trọng điểm: TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Đồng thời, nhằm đảm bảo việc quản lý ĐTDD chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh, các nhà phân phối sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp đối với hàng hóa của mình. Cụ thể là doanh nghiệp nhập khẩu khi bán máy ra thị trường sẽ cung cấp bản sao tờ khai hải quan có bản kê số IMEI kèm theo, để lực lượng kiểm tra đối chiếu nguồn gốc nhập khẩu của máy.
Đặc biệt, biện pháp thiết thực nhất được đề ra lần này là Ban chỉ đạo 127 TW đề nghị Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu và thuế VAT đối với mặt hàng ĐTDĐ xuống khoảng 5% nhằm ngăn ngừa tình trạng trốn thuế.
Theo Itoday