PDA

View Full Version : Điện thoại di động tương lai trông như thế nào?


athaco
22-06-2012, 01:14 PM
Mấy năm trước những thiết bị này còn giống như viên gạch nhưng rồi nhanh chóng biến thành hình dáng của thanh kẹo, vỏ sò hay dao gấp. Kích thước, hình dáng và màu sắc thay đổi chóng mặt trong sự kết hợp 2 xu hướng: thời trang di động và tích hợp công nghệ.
Công ty đầu tiên ý thức được xu hướng tiêu dùng của thị trường điện thoại di động là Nokia, hiện là nhà sản xuất lớn nhất thế giới về thiết bị liên lạc di động. “Chúng tôi hiểu rằng những chiếc điện thoại không còn đơn thuần là những thiết bị kỹ thuật mà đã trở thành một phần cá tính của người sử dụng”, Eero Miettinen, Giám đốc thiết kế của Nokia, nói. Tháng 10/1999, hãng điện thoại Phần Lan thổi bùng một xu hướng mới với việc tung ra sản phẩm 8210 trên các sàn diễn thời trang ở Paris. Kể từ đó, kiểu dáng đã trở thành một phương thức quan trọng để các nhà sản xuất tạo thế đứng riêng cho sản phẩm của họ trên thị trường. Ví dụ như Siemens đang bán một bộ sưu tập đặc biệt gồm nhiều loại máy thời trang mang thương hiệu Xelibri.
Siemens Xelibri.
Sự đa dạng về mẫu mã được mở rộng rất nhiều trong 2 năm trở lại đây khi những chiếc điện thoại trang bị màn hình màu và tính năng chụp ảnh trở nên phổ biến. Theo ngân hàng đầu tư UBS (Mỹ), khoảng 70% số điện thoại bán ra năm nay sẽ có màn hình màu, tăng 38% so với năm ngoái. Trong số đó, 44% có khả năng chụp ảnh, tăng 17% so với 2003. Sự phổ biến của điện thoại màn hình màu được thúc đẩy bởi sự chấp nhận ngày càng tăng đối với các dịch vụ dữ liệu như duyệt web, tải game và hình họa trên màn hiển thị. Thêm nữa, điện thoại di động hiện nay còn có thể là công cụ nghe nhạc, lưu album ảnh và tổ chức công việc cá nhân. Thách thức trong việc tích hợp tất cả những tính năng này vào một thiết bị trước kia chỉ dùng để nói đã dẫn đến sự bùng nổ của những kiểu dáng có tính cách tân.
Nokia 7600.
Ở Nhật và Hàn Quốc, nơi các dịch vụ dữ liệu xuất hiện đầu tiên, nhu cầu về màn hình lớn trên thiết bị nhỏ đã dẫn đến sự phổ biến của kiểu dáng vỏ gập. Việc cho phép điện thoại mở và đóng như vậy bảo vệ được màn hình đồng thời tạo ra rất nhiều khoảng trống cho cả màn hình và bàn phím. Việc Nokia ưa chế tạo kiếu máy liền một cục truyền thống hơn so với thiết kế vỏ gập đã từng bị chỉ trích là nguyên nhân cho sự giảm sút về doanh số bán của họ trong thời gian gần đây. Hãng này hy vọng những sản phẩm mới của họ với kiểu dáng gập phổ biến sẽ làm hồi sinh doanh số. Thế hệ điện thoại đầu tiên của Nokia đi theo xu hướng này là 7600 đã chứng minh được sự thành công.
Sony Ericsson S700.
Trong khi đó, một số người lại cho rằng Nokia đã mất đi lợi thế cạnh tranh về kiểu dáng trước các đối thủ nhỏ hơn. Ví dụ, Sony Ericsson đang vươn lên mạnh mẽ với một thiết kế mới gọi là khớp xoay hay dao gấp, áp dụng trong các loại điện thoại camera như SO505i, cung cấp ở thị trường Nhật Bản, hay S700 đã có mặt ở nhiều thị trường trên thế giới. Khi đóng lại, máy S700 giống một cái máy ảnh, với ống kính ở phía trước và màn hình lớn ở phía sau. Các phím điều khiển của nó cố tình được mô phỏng giống với máy ảnh số Sony.
Sony Ericsson P900.
Một phần nguyên nhân sự hấp dẫn của kiểu khớp xoay là một số người tiêu dùng đang bắt đầu thấy chán kiểu vỏ gập. Song không nên cho rằng trong tương lai sẽ có một kiểu dáng nào đó thống trị. Thay vào đó, nhiều dạng khách hàng khác nhau sẽ đòi hỏi nhiều mẫu mã, phong cách khác nhau, tùy thuộc vào việc họ hay khai thác thiết bị vào mục đích nào, gọi điện, nhắn tin, nghe nhạc hay chơi game. Theo một lãnh đạo của Sony Ericsson, 5 năm tới, thị trường điện thoại di động sẽ phân thành 3 mảng: các sản phẩm nhấn mạnh tính năng gọi điện truyền thống, loại đa chức năng (kiểu như máy Sony Ericsson P900) và loại sản phẩm chuyên phục vụ một cộng đồng khách hàng cụ thể nào đó mà với họ việc gọi điện chỉ là yêu cầu thứ yếu.
Một số sản phẩm của nhóm thứ 3 này đã xuất hiện trên thị trường, chẳng hạn như máy chơi game N-Gage của Nokia, thiết bị gửi nhận e-mail của BlackBerry (trong đó tính năng gọi điện được bổ sung mà không phải thay đổi thiết kế cũ), và loại máy ảnh số mỏng có tính năng gọi điện của NEC sản xuất cho thị trường Trung Quốc. Nói cách khác, ít nhất là đối với một số đối tượng sử dụng kiểu như trên, khái niệm điện thoại di động có thể thay đổi hoặc đơn giản là biến mất.
Tuy nhiên cũng còn khả năng nữa là xu hướng “tất cả trong một” sẽ mở đường cho việc ra đời một kiểu thiết kế theo từng module, tức là chiếc máy cơ sở sẽ được bổ sung thêm các bộ phận chức năng khác thông qua đường kết nối không dây sóng ngắn Bluetooth. Người sử dụng điện thoại có hỗ trợ Bluetooth hiện đã có thể thực hiện và nhận cuộc gọi chỉ bằng một công cụ cầm tay bé xíu và một tai nghe, trong khi chiếc máy điện thoại thực sự lại được để trong túi áo quần hay túi xách. Bước tiến tiếp theo có thể sẽ là mở rộng xu thế này sang các thiết bị khác. Ví dụ, máy ảnh hỗ trợ Bluetooth có thể gửi/nhận hình ảnh qua một thiết bị cầm tay gần đó hoặc một máy chơi game cá nhân có thể download những trò chơi mới và liên lạc với các máy khác. Điện thoại có thể sẽ đóng vai trò một cổng giao tiếp giữa các thiết bị nội bộ chuyên biệt và mạng sóng di động.
Chưa rõ kiểu thiết kế module này có thể hấp dẫn người tiêu dùng hay không. Sự thành công của máy iPod do Apple sản xuất, với chỉ một tính năng nghe nhạc, đã tỏ ra rất thành công và như vậy có thể thấy những chiếc điện thoại với một tính năng chuyên biệt nào đó có thể sẽ ăn khách hơn là những sản phẩm đa hợp. Đối với những khách hàng thích nhiều tính năng thì kiếu “tất cả trong một” có cái lợi là rồi đây nó có thể kết nhập vào cả những thứ đồ trang sức hay kính râm và hoạt động như máy di động hoặc công cụ hiển thị text. Đã có một vài ví dụ cho kiểu sản phẩm này trên thị trường. Máy Xelibri kiểu gập của Siemens được thiết kế để người dùng có thể gắn lên quai túi xách. Trong khi đó, Nokia cũng đã tung ra một sản phẩm tương tự có hỗ trợ Bluetooth.
Nói gì thì nói, một điều chắc chắn là thiết bị liên lạc di động giờ đây đã khác xa cái gọi là điện thoại, tùy thuộc vào những mục đích mà bạn muốn thao tác cùng với nó. Điều này cũng đồng nghĩa với những kiểu dáng thiết kế khác xa nhau. Có lẽ thế giới sẽ phải nghĩ cho những công cụ thế hệ mới này một cái tên chung khác. Tại hãng Motorola, nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ 2 thế giới, thuật ngữ “mobile phone” hiện nay thậm chí đã bị cấm sử dụng. Tom Lynch, Giám đốc bộ phận kinh doanh thiết bị cầm tay của Motorola, nói: “Các công cụ cầm tay giờ đây đang chuyển biến thành những thiết bị mạng cá nhân (PND). Chúng tôi cố gắng nhìn nhận những thiết bị này một cách rộng hơn và đó cũng là lý do tại sao Motorola gọi chúng là những thiết bị từng là điện thoại di động”.
VN Express