Trước khi quyết định mua PDA, bạn cũng cần phải xác định mục đích sử dụng của mình, chỉ đơn giản là quản lý thông tin cá nhân hay bạn cần tính năng của một máy tính xách tay thu nhỏ.
PDA là tên gọi chung, nhưng được phân thành hai hệ chính: máy sử dụng hệ điều hành Palm (thường được gọi là máy Palm) và máy sử dụng hệ điều hành Pocket PC của Microsoft, được gọi là máy Pocket PC.
Hệ điều hành
Pocket PC và Palm là hai hệ điều hành phổ biến nhất và cũng là tiêu chuẩn để phân biệt hai hệ máy PDA. Sự khác nhau về hệ điều hành quyết định rất nhiều đến sự khác nhau về kiểu dáng, kỹ thuật và tính năng của hai hệ máy này. Hệ điều hành Palm dựa phần nào trên giao diện text và đồ họa đơn sắc, dành cho những người sử dụng cần sự đơn giản, thân thiện và dễ sử dụng. Là phiên bản thu nhỏ của hệ điều hành Windows, Pocket PC, mạnh hơn về đồ họa, các ứng dụng và công cụ giải trí. Do đó, Pocket PC cần có bộ xử lý mạnh hơn, bộ nhớ nhiều hơn và có sự tương thích với hệ điều hành Windows trên máy tính.
![](http://ngoisao.net/News/Dan-choi/2005/02/3B9B054A/pam2.jpg)
PDA của HP iPAQ dùng hệ điều hành Window.
Đối với những người chỉ sử dụng những chức năng thông thường như máy tính, calendar hay xử lý văn bản ở dạng đơn giản thì nên chọn Palm. Còn nếu bạn muốn chiếc PDA của mình phải xử lý được Word, Excel, Outlook cũng như chạy được nhiều phần mền đa phương tiện và game thì Pocket PC chính là sự lựa chọn hoàn hảo. Hiện trên thị trường Pocket PC của HP iPAD là dòng sản phẩm được sử dụng rộng rãi với giá cả hợp lý.
Màn hình
Màn hình là một yếu tố rất quan trọng khi chọn mua một PDA. Có nhiều kiểu màn hình với độ phân giải và màu sắc khác nhau. Các PDA chuẩn có màn hình LCD với độ phân giải ít nhất là 160x160 pixel. Các PDA đời mới có màn hình độ phân giải cao hơn, lên đến 240x320 pixel với 65.000 màu. Lẽ dĩ nhiên là các model sử dụng màn hình màu dùng tốn nhiều năng lượng hơn các model có màn hình đơn sắc. Nếu thực sự bạn không có nhu cầu lớn về multimedia thì bạn nên chọn màn hình đơn sắc, như thế bạn lại còn tiết kiệm được chi phí. Màn hình màu sẽ là thiết bị lý tưởng cho xem video và chơi game cũng như những ứng dụng mutilmedia khác.
![](http://ngoisao.net/News/Dan-choi/2005/02/3B9B054A/pam3.jpg)
Có hai cách nhập liệu trên PDA: sử dụng một bàn phím nhỏ tích hợp hay dùng bút nhập trực tiếp trên màn hình cảm ứng. Thông thường, một PDA có thêm bàn phím, cho dù là mini, rất cồng kềnh nhưng hiệu quả hơn, trong khi PDA sử dụng bút thì ngược lại, gọn gàng nhưng hạn chế hơn.
Bộ nhớ
Tùy thuộc vào từng hệ và từng mẫu máy mà dung lượng bộ nhớ có thể không giống nhau, nhưng hầu hết PDA đều có khả năng gắn thêm bộ nhớ mở rộng. Bộ nhớ chuẩn của PDA có thể từ 32MB đến 64MB. Các PDA sử dụng hệ điều hành Pocket PC thường có bộ nhớ chuẩn lớn hơn do những tính năng xử lý phức tạp hơn.
Một vài model PDA được ưa chuộng hiện nay là HP iPAQ 6300 và 4700 có bộ nhớ 64MB và Flash ROM lần lượt là 64MB và 128 MB, rất tiện lợi cho những người có nhu cầu lưu trữ nhiều dữ liệu. Với bộ nhớ của hệ thống tối thiểu là 32MB, bạn chỉ nên chứa những thông tin mà bạn có nhu cầu sử dụng thường xuyên. Bạn cũng nên trang bị cho mình ít nhất một thẻ nhớ ngoài và tận dụng tối đa lợi thế của thẻ nhớ để "tối đa hóa" khả năng lưu trữ dữ liệu của mình, đặc biệt nếu bạn đi công tác.
![](http://ngoisao.net/News/Dan-choi/2005/02/3B9B054A/pam4.jpg)
Có nhiều loại thẻ nhớ để bổ sung khả năng lưu trữ cho PDA. Tùy vào từng loại máy hay hãng sản xuất mà yêu cầu những loại thẻ nhớ khác nhau như Compact Flash, Secure Digital, Multi Media Card, Springboard, Memory Stick... Theo Xã hội thông tin, hầu hết, những loại thẻ nhớ phổ biến có thể dùng cho các thiết bị kỹ thuật số khác nhau như máy chụp ảnh, điện thoại di động... Đối với các nhà báo, thẻ nhớ ngoài là một công cụ đặc biệt hữu hiệu khi tác nghiệp. Có một điều nên lưu ý là khi dùng thẻ nhớ cho PDA, bạn cũng phải thao tác cẩn thận như khi sử dụng các thiết bị ngoại vi khác như cắm đúng chiều, cắm chắc chắn và chỉ rút thẻ khi đã tắt máy.
Các chức năng
PDA phục vụ cho công việc (Word, Excel, PowerPoint, Project Manager...), tra cứu (các loại từ điển phong phú, Bách Khoa toàn thư). PDA còn là một chiếc máy tính với tính năng phân tích tài chính, tính toán khoa học, vẽ đồ thị...; làm một chiếc đồng hồ vạn năng để xem giờ, báo thức, đếm lùi giờ.... PDA quản lý thời gian biểu, nhắc việc, đọc sách điện tử, giải trí với các trò chơi đơn giản và nhiều chức năng thú vị khác như là một chiếc điều khiển vạn năng sử dụng với bất kỳ thiết bị nào có cổng hồng ngoại (TV, điện thoại di động).
Người ta còn dùng PDA để cập nhật tin tức, dự báo thời tiết, check mail, duyệt web (có thể đăng ký newsletter của nhiều nhà cung cấp dịch vụ để gửi các thông tin thời sự, văn hóa, thể thao, kinh tế... mọi mặt của đời sống vào hộp thư của bạn và xem trên PDA bất cứ lúc nào.) Bạn còn có thể chơi những trò chơi phức tạp hay trò chơi chiến thuật kiểu như StarCraft, đua xe..., nghe nhạc, xem phim, ghi âm, chụp ảnh, quay phim kỹ thuật số, lưu trữ ảnh hay kết nối với các thiết bị khác qua mạng không dây Wi-Fi, Bluetooth, điện thoại di động với GPRS.
Kích thước và trọng lượng
Một máy PDA sử dụng bút nhập dữ liệu không có bàn phím thường có kích thước nhỏ hơn và nhẹ hơn một máy tích hợp bàn phím mini. Tùy khả năng và nhu cầu mà bạn sẽ chọn loại bàn phím đi liền hay bàn phím rời. Tuy nhiên, bạn nên chọn loại có khả năng kết nối với một bàn phím rời vì tính năng này tối ưu khi bạn nhập dữ liệu. Thông thường một máy PDA (không kể bàn phím) có trọng lượng khoảng từ 170 đến 250 gram.
*.net